Cẩm nang
Vào năm 2019, các đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng thêm tượng đài Hồ Chí Minh một lần nữa trở thành tiêu điểm gây tranh cãi. Mỗi tượng đài tiêu tốn tới hàng trăm tỷ đồng, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều — đặc biệt ở những khu vực vẫn đang vật lộn với cơ sở hạ tầng kém và các vấn đề an sinh xã hội. Cuộc tranh luận này không mới, nhưng việc nó liên tục tái diễn khiến tôi tò mò về những công trình đồ sộ, tốn kém, đang âm thầm rải rác trên khắp đất nước.
Ở thời điểm đó, tôi mới chỉ nhìn thấy hai tượng đài Hồ Chí Minh ngoài đời thực. Muốn tận mắt chiêm ngưỡng tất cả các bức tượng, tôi bắt đầu tìm kiếm chúng mỗi khi có dịp đi xa. Tôi đặt mục tiêu ghé thăm mọi tượng đài công cộng dành riêng cho Hồ Chí Minh—biểu tượng của lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam, nhân vật mà tư tưởng và những lời dạy của ông đã được chúng tôi nằm lòng từ thuở nhỏ.
Một buổi sáng tại tượng đài ở thành phố Pleiku, tôi gặp hai cựu chiến binh đang lần theo dấu tích chiến trường xưa. Chúng tôi trò chuyện, và trước khi rời đi, họ để lại cho tôi một lời căn dặn giản dị: “Nhớ yêu nước đấy!”
Câu nói ấy gợi tôi nhớ đến những khẩu hiệu tuyên truyền mà tôi đã cùng lớn lên, nhưng lại mang một sắc thái khác. Không giống những câu hô hào lớn lao gói trong những lý tưởng thơ mộng, mơ hồ — nơi tình yêu quê hương gắn liền với lòng trung thành dành cho Đảng cầm quyền và tư tưởng xã hội chủ nghĩa — tình yêu mà họ nhắc đến không hề nhuốm màu chính trị. Đó là một tình yêu bắt rễ từ chính mảnh đất, con người, những mối dây liên kết văn hóa, và vô số điều nhỏ bé tạo nên Việt Nam.
Những bức ảnh này, được chụp trong nhiều hành trình ngược xuôi dọc đất nước, vốn không mang hàm ý chính trị. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy chúng như một bức tranh toàn cảnh phản ánh một quốc gia đang dần nghiêng về chủ nghĩa dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đảng cầm quyền — một nỗ lực để hiểu xem mảnh đất và văn hóa này đang chuyển mình ra sao. Vừa dí dỏm vừa chân thành, dự án này trở thành cuốn cẩm nang cá nhân của tôi, giúp tôi vạch ra cách để yêu đất nước này.

Tượng Đài
Ý nghĩa biểu tượng của Hồ Chí Minh đối với tầng lớp lãnh đạo ở Việt Nam là vô cùng sâu sắc. Ông là một công cụ mạnh mẽ để duy trì các lý tưởng và nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và sự trung thành của nhân dân.
Dự án Tượng Đài là một hành trình khám phá tính chất phù du của ký ức trong cả không gian công cộng lẫn cá nhân. Trong bối cảnh lịch sử và văn hóa Việt Nam, dự án đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa các kiến trúc tượng đài Hồ Chí Minh—những biểu tượng của ký ức tập thể—và chúng ta, những cá nhân tương tác với chúng.
Trọng tâm của dự án là các bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt rải rác trên khắp Việt Nam. Sự hiện diện trang nghiêm và uy nghi của những bức tượng này không chỉ đại diện cho một câu chuyện lịch sử và ý thức hệ thống nhất, mà còn phản ánh tính linh hoạt của ý nghĩa và mục đích được gán cho chúng.
Dự án thúc đẩy một sự suy ngẫm lại cách chúng ta tương tác với lịch sử và các biểu tượng vật chất của nó, đồng thời phản ánh cách ký ức tập thể, được dựng lên thông qua các tượng đài, thường lấn át những câu chuyện cá nhân. Các tượng đài được dựng nên để tôn vinh và tưởng nhớ, nhưng qua thời gian, chúng không chỉ là chứng nhân của quá khứ mà còn là hiện thân của cách chúng ta kiến tạo và tái định nghĩa những câu chuyện lịch sử chủ đạo.














